Hiện nay, thời gian tuân thủ thủ tục hành chính trước và tại cửa khẩu của Việt Nam chiếm 76% tổng thời gian nhập khẩu, số quy tắc khiến chi phí thương mại tăng cao nhiều gấp hơn 2 lần so với Lào và gấp 3 lần so với Campichia.
‘Chỉ số năng lực logistics giảm 16 bậc trong 2 năm, Việt Nam đang mất lợi thế cạnh tranh’
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Logistics phải có vai trò quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế
Trong khuôn khổ của Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2018, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, để thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại và logistics tại Việt Nam cần tập trung vào giảm chi phí phi thuế quan, gồm chi phí đảm bảo tuân thủ các biện pháp, thủ tục hành chính trước - tại cửa khẩu và chi phí logistics.
Theo thống kê của WB, số quy tắc khiến chi phí thương mại tăng cao tại Việt Nam nhiều gấp hơn 2 lần so với Lào và gấp 3 lần so với Campichia. (Ảnh: VnEconomy)
Cụ thể, theo ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế của WB, có thể giảm chi phí thuế quan (hiện đang cao hơn so với mức trung bình của Asean) bằng cách thực hiện một trong 4 chương trình trụ cột: đơn giản hóa các quy định hải quan và quản lý chuyên ngành; nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng thương mại và chất lượng kết nối; xây dựng ngành dịch vụ logistics có tính cạnh tranh và tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác với khu vực tư nhân.
“Hiện thời gian tuân thủ thủ tục hành chính trước và tại cửa khẩu của Việt Nam chiếm 76% tổng thời gian nhập khẩu và do Hải quan cùng các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chịu trách nhiệm. Tại Việt Nam, số quy tắc khiến chi phí thương mại tăng cao là 1.807 quy tắc, cao gấp hơn 2 lần so với Lào và gấp 3 lần so với Campichia”, ông Đức nói.
Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cho thấy giao thông đã không bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu, tiềm năng phát triển của Việt Nam bị hạn chế do thiếu mạng lưới vận tải đa phương thức, thiếu dịch vụ logistics và giao thông chất lượng yếu kém. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam thường có quy mô nhỏ, lẻ, thiếu kỹ năng, công nghệ, thông tin thống kê về ngành…
Tại bản tham luận gửi đến Diễn đàn của TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền lý luận, báo Nhân Dân và ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hình thành sơ khai vào những năm 1960 – 1970 với tên gọi giao nhận, kho vận nhưng chủ yếu là vận tải biển. Đây là một trong những ngành tăng trưởng đều và cao nhất của Việt Nam thời gian qua (trung bình đạt 16 – 20%/năm).
Theo bản tham luận, ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện có quy mô 20 – 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP cả nước. Theo xếp hạng chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của WB, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 và đứng thứ 4 trong khu vực Asean (sau Singapore, Malayssia và Thái Lan).
Chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP hàng năm, cao hơn đáng kể so với Thái Lan là 19%, Singapore 8% và mức trung bình của các nước phát triển là 10 – 13%, các nước đang phát triển là 15 – 20%.