Tin tức ngành

Giảm chi phí logistics, phải ứng dụng công nghệ

Giảm chi phí logistics, phải ứng dụng công nghệ

01/08/2018 5:28:39 PM | 15842

Biết ứng dụng công nghệ sẽ cắt giảm chi phí logistics nhưng rất nhiều DN trong chuỗi cung ứng này vẫn “án binh bất động” vì… chủ hàng không yêu cầu.

Giảm chi phí logistics, phải ứng dụng công nghệ

Không ứng dụng công nghệ vì…khách không yêu cầu!

Trong khi ở bình diện vĩ mô, câu chuyện chi phí logistics Việt Nam chiếm tới 21% GDP chưa bao giờ hết “nóng” thì thực tế ở tầm vi mô tại các doanh nghiệp cho thấy ứng dụng các giải pháp công nghệ là một trong những lối ra khả dĩ góp phần cắt giảm chi phí này.

Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), có đến 87% doanh nghiệp (DN) trong ngành cho rằng chính công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh, 83% DN cũng cho hay nhiệm vụ chính trong thúc đẩy đổi mới công nghệ thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Khảo sát này cũng cho thấy mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics Việt Nam tuy mới ở tầm trung bình so với thế giới nhưng đã thực sự tăng nhanh trong những năm gần đây. Có những DN tại Việt Nam thậm chí còn ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin hàng đầu thế giới từ các hãng công nghệ danh tiếng như Oracle hay IBM.

Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ khi nhìn trên mặt bằng chung, ngoài những ứng dụng bắt buộc như phần mềm kê khai hải quan Manifest trên hệ thống một cửa quốc gia hay phần mềm quản lý định vị xe tải thì số lượng các DN hiện đang sử dụng giải pháp công nghệ thông tin để quản lý vận chuyển, xe cộ, kho bãi chỉ chiếm 10%. Tương tự, cũng chỉ có chưa đến 15% DN sử dụng phần mềm WMS (quản lý kho hàng) và phần mềm TMS (quản lý vận tải).

Vì sao như vậy? Theo ông Trần Duy Khiêm, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Giải pháp Chuỗi cung ứng Smartlog, hiện có khá nhiều thách thức khi ứng dụng công nghệ vào các DN logistics. Trước tiên là vì… “chủ hàng không yêu cầu”, còn DN thì quá bận rộn với “cơm áo gạo tiền” hàng ngày. Nhiều DN khác thì hoặc không có nhân lực để thực hiện mong muốn nâng tầm công nghệ, hoặc không đủ ngân sách đầu tư, hoặc đơn giản hơn là không mấy quan tâm tới sự ảnh hưởng của công nghệ, trừ phi bị “dồn tới chân tường”.

Số hóa vận đơn, tham vọng của logistics Việt Nam

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch VLA cho rằng, đã đến lúc không thể chần chừ việc ứng dụng công nghệ được nữa bởi ngành logistics Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đó là sự khắt khe và phức tạp tiếp tục tăng lên trong các quy định về vận tải và chuỗi cung ứng toàn cầu; đó là xu hướng lợi nhuận biên của DN logistics cứ giảm dần khi đòi hỏi của khách hàng mỗi lúc một cao hơn.

Đáng chú ý, sự bùng nổ của thương mại điện tử đang vẽ nên một bức tranh rất khác lạ so với trước đây - khi quy mô mỗi đơn hàng ngày càng nhỏ còn số đơn hàng ngày càng lớn. Hơn nữa, quy trình công việc của ngành logistics Việt Nam nhiều chỗ chưa hoàn thiện, chuỗi dữ liệu thì lặp đi, lặp lại nhiều lần gây lãng phí. Vì vậy, đã tới lúc cần có bước tiến mạnh mẽ hơn về công nghệ.

“Trước hết là số hóa vận đơn đường biển để DN có thể truy cập nguồn gốc và các thông tin liên quan đến hàng hóa dễ dàng hơn, giảm chi phí tiền bạc lẫn thời gian. Và đích đến cuối cùng là chỉ sử dụng vận đơn điện tử trong một nền thương mại phi chứng từ”, ông Khoa nhấn mạnh định hướng của VLA tới các thành viên.

Thực tế, số hóa vận đơn có thể cho phép DN giao tiếp với các cơ quan chức năng xuyên biên giới mà không cần đến các giấy tờ truyền thống “lỉnh kỉnh” như hiện nay. Số hóa vận đơn cũng sẽ giúp hình thành nên dữ liệu lớn (big data). Từ đó, DN có thể khai thác dữ liệu này cho kinh doanh của chính mình.

Chương trình thử nghiệm số hóa vận đơn (đường biển) do Ban Công nghệ thông tin của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) thực hiện và chỉ chấp nhận 5 hiệp hội logistics đại diện cho các châu lục tham gia. Theo đó, khả năng Hiệp hội Logistics Việt Nam sẽ là đại diện duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương tham gia đợt thử nghiệm này.

Ứng dụng công nghệ, cứ liệu cơm gắp mắm!

Nói đến kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào logistics không thể không nhắc tới Tân Cảng Sài Gòn – một trong những “cánh chim đầu đàn” của ngành logistics Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Năng Toàn, Giám đốc Trung tâm Điều độ thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, ứng dụng công nghệ tại DN này được xem như một khoản đầu tư, không phải là chi phí. Đương nhiên, Tân Cảng là DN lớn nên có thể sử dụng các phần mềm từ nhà cung cấp danh tiếng như Oracle, nhưng cũng có không ít phần mềm “nội địa” phù hợp với quy mô, khả năng tài chính và đặc thù kinh doanh của DN logistics trong nước – vốn chủ yếu là SMEs.

“Không phải vì chúng tôi là đơn vị lớn mà muốn bỏ tiền mua cái gì cũng được. Mỗi DN phải tự xác định đặc thù và các mấu chốt kinh doanh quan trọng để chọn lựa phần mềm phù hợp, càng không thể lấy mô hình DN lớn, DN Nhà nước như Tân Cảng Sài Gòn để ‘áp’ vào SMEs hay các công ty cổ phần”, ông Toàn nêu ý kiến và đồng thời cho rằng nếu DN chọn không đúng đối tác công nghệ thì không chỉ bị kéo dài thời gian, tốn kém chi phí, mà còn không đạt được hiệu quả kinh doanh như mong đợi.

Đồng tình với quan điểm này, nhà cung cấp dịch vụ vận tải Trần Ngọc Hiền từ Công ty Cổ phần Vinafco cũng tin rằng đối tác công nghệ đi cùng rất quan trọng vì sẽ cùng đồng hành với DN một thời gian dài. Đó phải là nơi chuyển giao hiểu biết và tiếp tục cập nhật công nghệ cho dự án chứ không chỉ là người bán giải pháp ban đầu.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta tại đưa ra một góc nhìn khác khi tin rằng bên cạnh quyết định chọn lựa đối tác thì khả năng quản trị của DN cũng đóng góp không nhỏ vào sự thành công của các giải pháp công nghệ, “hiện đa số DN logistics Việt Nam vẫn còn nhỏ quá, dù Oracle có cho không phần mềm thì triển khai cũng khó lắm. Vì vậy khi mua công nghệ DN nên yêu cầu được sở hữu mã nguồn lẫn bản quyền để bất cứ lúc nào cũng có thể thay đổi nhà cung cấp giải pháp nếu thấy không phù hợp”, ông Nghĩa nêu kinh nghiệm.

Còn bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc Marketing từ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn lại kêu gọi ngành logistics cần “lôi kéo” các cơ quan chức năng khác “vào cuộc”, “hiện hải quan đang phải ‘chịu tiếng’ vì là nơi cuối cùng chịu trách nhiệm thông quan hàng hóa. Nếu các cơ quan kiểm tra chuyên ngành không tham gia, không nắm được các ứng dụng công nghệ này thì chỉ riêng DN với nhau cũng sẽ khó mà đồng bộ hóa được hết các mắt xích trong ngành logistics”


Phản hồi bài viết


Các bài liên quan

• Chi phí 'ngáng trở' logistics (19/10/2018)

• Các loại hình vận tải và vai trò vận tải trong cuộc sống (01/08/2018)

• Hội thảo về số hóa trong ngành vận tải (19/10/2018)

• Công nghệ đấu thầu trực tuyến vận chuyển giải pháp cho vận tải 4.0 (01/08/2018)


Các bài mới nhất

• Phân luồng trong cấp GCN xuất xứ hàng hóa ưu đãi (01/08/2018)

• Đề xuất về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ (01/08/2018)

• Hoàn chỉnh quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (01/08/2018)

• Thủ tục hành chính chiếm 76% thời gian nhập khẩu là một rào cản ngành logistics VN (01/08/2018)

• Truy tố đối tượng người nước ngoài vận chuyển gần 56kg cocain vào Việt nam (19/10/2018)

• Công ty TNHH Quốc tế Delta: Kỷ niệm 14 năm thành lập (01/08/2018)

Hỗ trợ trực tuyến

Hỗ trợ trực tuyến

Miền Bắc

(Kinh doanh)

Miền Trung

(Kinh doanh)

Miền Nam

Kinh doanh